VẠN SỰ KHỞI ĐẦU NAN

 Tổng quan     21 Thg10 2016     281

Khi dư luận hoài nghi về tính pháp lý của Dự án


Dự án “Hợp tác đào tạo điều dưỡng Việt Nam tại CHLB Đức” do Công ty Cổ phần Công nghệ Truyền thông Tương Lai làm chủ, hợp tác cùng với các tổ chức tư nhân về đào tạo điều dưỡng và các Bệnh viện tại CHLB Đức, hoàn toàn không phải là chương trình xuất khẩu lao động, mà là chương trình hỗ trợ cho các học viên Việt Nam có cơ hội học tập và sau đó có cơ hội làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên hơn một năm qua, những dư luận trái chiều, thậm chí quy kết một cách vô căn cứ về tính pháp lý của Dự án đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động hợp tác giữa các bên. Đáng buồn thay, một số gia đình có học viên đang tham gia dự án cũng góp phần tạo nên dư luận gây ảnh hưởng đến hoạt động của Dự án, trong khi chính con em của mình lại đang được Công ty hỗ trợ hoàn toàn về tài chính để tham gia Dự án.


Cần phải hiểu, “cơ hội học tập” là học một ngoại ngữ mà cụ thể của Dự án này là ngôn ngữ Đức. Đối với các đối tượng đã là điều dưỡng, y sĩ đa khoa thì sẽ được củng cố kiến thức về y khoa tại Việt Nam để có thể theo kịp khóa học năm thứ 3 tại CHLB Đức. Vậy mục đích đầu tiên của chương trình là bồi dưỡng kiến thức cho học viên để các em có đủ kiến thức cần thiết khi du học, điều này hoàn toàn không trái với các quy định của Pháp luật.


Chưa hề có tiền lệ và tất cả là sự hợp tác giữa các đơn vị tư nhân giữa cả hai đất nước, nên trong một năm đầu của Dự án, Công ty Cổ phần Công nghệ Truyền thông Tương Lai đã phải tự bỏ ra khoảng 300.000 đô-la để chi cho các hoạt động và kinh phí này cho đến giờ phút này Công ty cũng chưa biết làm thế nào để thu hồi lại. Thậm chí cho đến cận ngày các học viên lên đường, Công ty vẫn phải chạy vạy, vay mượn cho 04 trường hợp không có khả năng để trang trải các vấn đề tài chính. Tuy nhiên vấn đề là làm sao phải đảm bảo học viên Việt Nam sẽ có “cơ hội học tập và làm việc” ở nước ngoài và phía đối tác nước ngoài chấp nhận học viên Việt Nam. T.Info đã làm việc rõ ràng với đối tác để đảm bảo điều đó, thậm chí thông tin cụ thể mức thu nhập là từ 1.800 – 2.200 Euro một tháng trước thuế cho các học viên tham gia Dự án. Giả sử thời điểm tháng 06.2015 không có 16 visa do Tổng lãnh sự quán Đức tại Việt Nam cấp, có lẽ xã hội và dư luận đã có thể kết luận Công ty Cổ phần Công nghệ Truyền thông Tương Lai và các đối tác liên quan có điều bất minh, thậm chí là lừa đảo. “16 visa đầu tiên khẳng định rằng chúng ta đã làm và có kết quả. Có thể rằng kết quả ban đầu này không quá lớn nhưng lại có ý nghĩa cực kỳ quan trọng cho tương lai của Dự án, tương lai của các bạn trẻ và mở ra niềm hy vọng lớn lao hơn về những cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và các nước Châu Âu” (Phát biểu của Bác sĩ Lương Ngọc Ẩn – Giáo viên tham gia giảng dạy kiến thức y khoa cho Dự án trong buổi tổng kết hoạt động Dự án ngày 26.06.2015).



Khi liên tục gặp khó khăn do sự khác biệt về hệ thống pháp luật và văn hóa


Mặc dù đối tác từ cả hai phía Việt Nam và CHLB Đức đều phối hợp chặt chẽ với nhau trong các bước thực hiện triển khai Dự án, tuy vậy, mỗi bên lại cam kết bảo đảm sự thành công này của Dự án theo những cách chưa được thống nhất hoàn toàn do sự khác biệt về hệ thống pháp luật, văn hóa và giáo dục đào tạo.


Hàng loạt khó khăn liên tục xảy ra từ hầu hết các công đoạn, chẳng hạn như quy trình tuyển sinh và công nhận tính tương đương của bằng cấp Việt Nam tại Đức phải kéo dài ròng rã tới nhiều tháng do sự khác biệt trong chương trình đào tạo giữa hai nước. Một chương trình đào tạo nghề điều dưỡng tại Đức được xây dựng và thực hiện trong một hệ thống đào tạo kép. Theo đó, một học viên hoàn thành chương trình đào tạo và được nhận bằng điều dưỡng tại Đức thông thường phải học từ 1600 – 2100 giờ lý thuyết và 2000 – 2500 giờ thực hành song song; sau mỗi 02 tuần học lý thuyết, học viên được thực hành 02 tuần tiếp theo tại các Bệnh viện hoặc Viện Dưỡng lão. Trong khi đó, chương trình đào tạo điều dưỡng tại Việt Nam chú trọng phần lớn vào lý thuyết, nội dung thực hành tay nghề cho học viên chỉ tập trung vào năm học cuối, và không phải do Bệnh viện thực hiện mà vẫn do Nhà trường đưa ra, các Bệnh viện chỉ tiếp nhận sinh viên thực hành, thực tập. Do vậy, khi ứng viên có nguyện vọng tham gia Dự án, phía đối tác tại Đức yêu cầu phía đối tác tại Việt Nam phải so sánh chương trình đào tạo khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo với tất cả chương trình đào tạo thực tế tại các cơ sở đào tạo mà học viên tham gia là sự trở ngại lớn, không dễ dàng hoàn thành.


Sự khác biệt trong hệ thống pháp luật giữa hai nước và những quy tắc nghiêm ngặt trong việc xét duyệt hồ sơ của CHLB Đức cũng gây ra rất nhiều khó khăn cho Ban điều hành dự án. Theo đó, việc tìm kiếm và lựa chọn đơn vị công chứng dịch thuật Việt – Đức phải được chính phủ Đức công nhận. Họ phải có chứng chỉ dịch thuật của CHLB Đức cấp. Điều này không dễ dàng đối với việc quản lý tiến độ Dự án, mặc dù các cơ sở dịch thuật Việt – Đức và công chứng hoạt động khá nhiều ở Việt Nam.


Lớp học tiếng Đức tại T.Info cùng với các giáo viên bản ngữ


Văn hóa làm việc cũng là khoảng cách lớn giữa các người Việt và Đức. Người Đức thường có phong cách ít thay đổi, máy móc và có phần cứng nhắc, thậm chí bảo thủ trong công việc chung, tuy nhiên với một Dự án lần đầu tiên triển khai ở Việt Nam, trong đó có nhiều nội dung chưa được quy định rõ ràng trong các văn bản pháp lý, cần phải xử lý linh hoạt cho phù hợp. Do đó, sự điều chỉnh để thích nghi của mỗi bên nhằm phối hợp tổ chức và quản lý Dự án cũng phải trải qua một khoảng thời gian đầy cam go.


Khó khăn lớn nhất phải kể đến chính là việc thống nhất một chương trình, phương pháp dạy học giữa các giáo viên Việt Nam và giáo viên bản ngữ. Giáo viên bản ngữ giảng dạy theo triết lý “Tự do học thuật”, không đặt mục tiêu học tập cho học viên. Kết quả học tập dựa hoàn toàn trên sự tự giác trong quá trình học của học viên, không cần quan tâm đến kiểm tra đánh giá, thi cử hay điểm số. Cuối khóa học, giáo viên chỉ cần xác nhận tổng số thời gian mà học viên đã tham gia chương trình là đạt yêu cầu. Tuy nhiên, có một thực tế là các học viên Việt Nam chưa có ý thức tốt trong việc học nên chưa thể phát huy tối đa tinh thần tự học, tự tiếp thu kiến thức cho mình tương ứng với cách dạy của giáo viên. Trong khi đó, yêu cầu của các cơ sở đào tạo tại Đức trước khi tiếp nhận học viên từ Việt Nam là phải được công nhận khả năng ngôn ngữ bằng các chứng chỉ quốc tế. Vì vậy, các giáo viên Việt Nam phải tuân thủ theo một chương trình chung với mục tiêu đảm bảo người học có thể tham gia các kỳ thi đạt các chứng chỉ A1, A2, B1 và B2 theo yêu cầu Hồ sơ nhập học và Visa nhập cảnh vào Đức. Cách dạy của Giáo viên Việt Nam do đó chú trọng về kiểm tra, đánh giá quá trình và thi cử; đưa ra các yêu cầu học tập và rèn luyện mang tính bắt buộc đối với học viên.  Bởi thế, rất nhiều lần hoạt động của lớp học gặp khó khăn do những mâu thuẫn giữa các giáo viên với nhau hay mâu thuẫn giữa các giáo viên và Ban điều hành Dự án.


Khi đơn độc trong các hoạt động và thiếu thốn nguồn học viên


Hàng loạt các công việc như liên lạc với các cơ quan quản lí nhà nước, liên lạc với các đối tác để tìm sự giúp đỡ, liên lạc với các thầy cô giáo dạy tiếng Đức (người Việt và người bản ngữ) để học viên có điều kiện học tốt nhất… đều là những nỗ lực không hề nhỏ. Thậm chí các thủ tục hành chính khi mời các thầy cô giáo bản ngữ về dạy cũng có nhiều vấn đề khó khăn. Trong giai đoạn đầu của Dự án, các thầy cô giáo người bản ngữ đa phần làm việc theo hình thức thiện nguyện, nhận thù lao giảng dạy rất khiêm tốn. Mặc dù vậy, chi phí mà Công ty phải bỏ ra để thu xếp tiền vé máy bay, chỗ ăn ở, visa và các thủ tục tạm trú tạm vắng, phương tiện đi lại cho các giáo viên cũng lên đến khoảng 4.000 EUR cho một giáo viên làm việc trong 6 tháng. Cho nên, các bước thực hiện việc mời các thầy cô về dạy rất cần sự thông hiểu và hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước của Tỉnh để tạo điều kiện thuận lợi, đặc biệt trong các thủ tục hành chính.


Chị Trần Kim Phương Thảo – Giám đốc Dự án tại Việt Nam, phát biểu trong buổi tổng kết hoạt động Dự án ngày 26.06.2015


Đại diện Trường Cao đẳng Y tế Đồng Tháp phát biểu trong trong buổi tổng kết hoạt động Dự án ngày 26.06.2015



Trong tổng số 75 ứng viên tham gia phỏng vấn đợt 1, có chưa đến 50% ứng viên có hộ khẩu tại Đồng Tháp. Khá đông các ứng viên từ TpHCM, thậm chí các tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh lại rất quan tâm đến chương trình và hiện đang theo học lớp tiếng Đức trình độ A2, B1 tại T.Info. Điều này cho thấy mục tiêu tạo cơ hội việc làm cho người lao động tại tỉnh Đồng Tháp chưa thật sự hiệu quả, mặc dù đây là động lực chính để triển khai Dự án tại Đồng Tháp chứ không phải ở Thành phố Hồ Chí Minh hay các nơi khác. Mặt khác, chất lượng đầu vào của các ứng viên cũng là một trở ngại cho Dự án: “Nói về tiêu chuẩn, chúng tôi hoàn toàn chưa an tâm với những gì mà các bạn đã có. Tuy nhiên vì mong muốn thực hiện chương trình, vì đối tác Đức thật sự đang trông chờ các bạn nên các bạn mới có điều kiện để được đi. Nôm na dễ hiểu là chúng ta đang cầm một cái vé vớt trong tay chứ không phải là một vé chính thức. Tôi mong rằng thời gian sau này khi các bạn sang CHLB Đức, các bạn sẽ nỗ lực gấp 3, gấp 4 lần hiện tại. Các bạn phải bỏ qua tất cả những hạn chế của mình để cố gắng, vì các bạn không chỉ đại diện cho bản thân mình, mà còn đại diện cho hình ảnh của cả một đất nước” (Phát biểu của Chị Trần Kim Phương Thảo – Giám đốc Dự án tại Việt Nam trong buổi tổng kết hoạt động Dự án ngày 26.06.2015).



Phan Thanh

Messenger us!
Facebook Messenger
Cơ hội việc làm và định cư tại CHLB Đức