Gò Tháp – Xẻo Quít sẽ là điểm đến kế tiếp (sau Làng Hòa An) của đoàn thanh thiếu niên 02 nước trong chuyến Giao lưu văn hóa Việt – Đức diễn ra từ ngày 09/10 đến ngày 17/10/2018. Tại đây, các thành viên trong đoàn sẽ có cơ hội tham quan, trải nghiệm du lịch địa phương,… Đồng thời, cùng nhau tìm hiểu văn hóa và sinh hoạt mang tính đặc trưng vùng miền tại đây.
KHU DI TÍCH GÒ THÁP
Khu di tích tọa lạc trên diện tích 320 ha thuộc địa bàn huyện Tháp Mười, phía Tây Bắc của tỉnh Đồng Tháp, là một quần thể bao gồm nhiều di tích gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Nam Bộ. Trong đó, có thể kể đến như: Gò Tháp Mười, Tháp Linh Cổ Tự trên 100 tuổi, đền thờ Thiên hộ Dương, Đốc binh Kiều và mộ cụ Đốc binh Kiều, v.v…
Khu bảo tồn văn hóa Óc Eo
Ngoài ra, nơi đây còn lưu giữ 3 nền gạch cùng nhiều hiện vật khảo cổ có giá trị văn hóa được các nhà nghiên cứu đồng thuận, đây là dấu tích của vương quốc Phù Nam, thuộc nền văn hóa Óc Eo phát triển rực rỡ từ thế kỷ I đến thế kỷ VII, được xem là trung tâm tôn giáo, tín ngưỡng và là thủ phủ của một tiểu quốc thuộc vương quốc Phù Nam cổ xưa đã từng tồn tại ở vùng đất Nam bộ
Với ý nghĩa to lớn về lịch sử, khu di tích Gò Tháp đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt, cần được chú trọng bảo tồn. Đây là niềm vinh dự và tự hào của người dân Tháp Mười nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung. Khu di tích Gò Tháp là một trong 34 “di tích quốc gia đặc biệt” của Việt Nam, là 1 trong 2 di tích lịch sử và khảo cổ quan trọng trong cả nước, cùng với Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long ở Hà Nội.
Hiện nay, quần thể này đang được các cấp chính quyền địa phương cân nhắc để làm hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
KHU DI TÍCH XẺO QUÍT
Xẻo Quít là di tích lịch sử cấp quốc gia, được công nhận năm 1992, tọa lạc tại huyện Cao Lãnh, cách thành phố Cao Lãnh chừng 30km với quần thể chính rộng 50 ha, trong đó có 20ha là rừng tràm. Phần còn lại là hệ thống cây rừng ngập mặn, dây leo,… Với thảm thực vật đa dạng và phong phú, có khoảng 170 loài thực vật và 200 loài động vật sinh sống.
Về ý nghĩa lịch sử, nơi đây từng là căn cứ hoạt động của quân dân ta trong kháng chiến chống Mỹ. Những khoảnh rừng tràm tự nhiên đã che chở cho cán bộ, chiến sỹ bám trụ tiến hành các hoạt động cách mạng đến ngày thống nhất đất nước.
Ảnh: Internet
Ban biên tập Website